Sau khi hiểu rõ về thành phần cơ bản của một website thì việc tiếp theo bạn cần làm là chọn tên miền phù hợp cho website của mình.
Mục lục
Vì sao phải chọn tên miền phù hợp?
Vì sao mình lại nói phù hợp, bởi lẽ tên miền cực kì quan trọng nếu bạn thực sự muốn xây dựng một website về lâu dài.
Tên miền sẽ không bao giờ được thay đổi, nó sẽ theo website đó vĩnh viễn trừ khi bạn không còn muốn sử dụng website đó cho doanh nghiệp, cửa hàng,…của mình nữa. Và việc chọn một tên miền phù hợp nó còn ảnh hưởng đến thương hiệu của bạn.
Ví dụ: nếu doanh nghiệp của bạn làm trong lĩnh vực bất động sản và có tên doanh nghiệp là Thịnh Nguyên thì bạn có thể đặt: thinhnguyenland.com chẳng hạn, chứ không thể đặt là dienmayonline.com được. Bởi nó sẽ gây khó nhớ cho khách hàng, hiểu nhầm về lĩnh vực của website.
Định nghĩa tên miền?
Tên miền (hay còn gọi là domain) được hiểu nôm na như là địa chỉ nhà của bạn, khi bạn đăng ký tên miền thì sẽ không bao giờ được đăng ký trùng với bất kì ai, cũng như sẽ không bao giờ có việc một tên miền mà dẫn đến 2-3 trang web khác nhau cả. Một website thì có một tên miền duy nhất.
Với sự phổ biến thông tin như hiện nay, thì việc mua domain trở nên dễ hơn rất nhiều. Nhưng việc chọn và mua tên cũng cần nghiên cứu 4 bước sau:
Bước 1: Phân biệt các phần của tên miền
Tên miền nhìn chung được chia thành 2 phần: phần chính và phần đuôi.
Phần chính là phần đứng trước phần đuôi, đây là phần chúng ta có thể tự đặt tên miễn sao không bị trùng với những cái tên khác đã được đăng kí trước.
Ví dụ: biti.vn
Phần chính là: biti
Phần đuôi là: .vn
Bước 2: Cách đặt tên cho tên miền
Thông thường chúng ta sẽ đặt tên dựa vào lĩnh vực, ngành nghề của website. Hoặc chúng ta sẽ đặt theo tên thương hiệu mà bạn đã xây dựng từ trước.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ghép cả hai cách đặt, nhưng cần lưu ý là không nên quá dài.
– Ví dụ đặt tên theo lĩnh vực đang kinh doanh
Kiến trúc: kientrucxanh.com
Dạy học online: hoconline.edu
Shop bán Hoa: shophoa.com
– Ví dụ đặt tên theo tên thương hiệu:
Vinamilk.com.vn: tên web của Công ty sữa Vinamilk Việt Nam
Vietnamairlines.com: tên web của hãng máy bay Vietnam Airlines
Deltacorp.vn: tên web của công ty xây dựng Delta
Tuy nhiên, thì hiện nay hệ thống website đang ngày càng nhiều nên không tránh khỏi việc trùng tên, một giải pháp nữa đó là bạn có thể đặt theo tên viết tắt của công ty, doanh nghiệp.
– Ví dụ: hbcg.vn là tên website của công ty xây dựng Hòa Bình
Một số lưu ý khi đặt tên:
+ Tên miền phải dễ nhớ, ấn tượng thì càng tốt
+ Tên miền ngắn nhất có thể
+ Tên miền không nên có các kí tự: !@#$%^&*()”{
+ Tên miền không có dấu (vì theo quy định là như thế nha)
+ Tên miền không nên có số (vì nhớ được tên web đã hay lắm rồi, giờ còn thêm số nữa thì sẽ khiến khách hàng nhớ lộn)
Bước 4: Chọn đuôi tên miền
1. Đuôi miền Quốc tế:
Thường có dạng đuôi như sau:
.COM (Commercial – Thương mại)
.EDU (Education – Giáo dục)
.NET (Network – Mạng lưới)
.INFO (Information – Thông tin)
.ORG (Organizations – Tổ chức)
.MOBI (Điện thoại di động)
Do Tổ chức quản lý tên miền Quốc tế ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) cấp.
Bất kỳ cá nhân/ tổ chức nào cũng có thể mua tên miền Quốc tế nhưng cũng dễ bị đánh mất quyền sở hữu.
Quản lý DNS và Name Server dễ dàng hơn.
Chi phí đăng ký và gia hạn cho tên Quốc tế khá rẻ.
Thủ tục đăng ký đơn giản, không cần cung cấp giấy tờ.
2. Đuôi miền Việt Nam:
Thường có dạng đuôi như sau: .vn, .com.vn, .edu.vn, gov.vn…
Do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), trực thuộc Bộ thông tin & Truyền thông cấp
Người truy cập website nhận biết được Doanh nghiệp thuộc quốc gia nào và khẳng định được uy tín của Doanh nghiệp với khách hàng.
Cơ sở pháp lý rõ ràng, được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Hệ thống máy chủ được giám sát 24/7, tên miền được bảo mật cao.
Bạn được thông báo đóng phí duy trì tên miền đến hạn và được quá hạn đến 20 ngày mới xoá chính thức tên miền đó.
Chi phí đăng ký và duy trì cao.
Cần có CMND/ Hộ chiếu khi đăng ký tên miền Việt Nam cho cá nhân và Giấy phép kinh doanh… cho tổ chức.
Bước 5: Mua ở đâu?
Thông thường khi bạn thiết kế website thông qua một công ty, đội nhóm thì họ cũng sẽ hỗ trợ bạn việc mua domain, vì họ chuyên trong lĩnh vực này nên việc thẩm định nhà cung cấp tên miền sẽ đảm bảo hơn.
Còn nếu bạn muốn tự mua thì nên tìm hiểu kĩ xem nhà cung cấp có uy tín hay không. Bạn nên chọn những nhà cung cấp nổi tiếng, có thâm niên trong nghề, có cơ sở hạ tầng hoạt động ổn định, không có thêm phí phát sinh nào trong quá trình sử dụng.
Vì hiện tại mình thấy trên thị trường có rất nhiều nơi quảng cáo mua tên giá rẻ nhưng thực chất không phải vậy, sau khi mua thì mới phát hiện lỗi chỗ này chỗ kia, rồi phát sinh thêm chi phí khác. Nên các bạn hãy cẩn thận nhé! Dưới ảnh là một vài nhà cung cấp domain mà bạn cũng có thể cân nhắc.
Tên Domain có ảnh hưởng đến SEO hay không?
Câu trả lời là không nhé! Trước đây thì có ví dụ bạn muốn SEO từ khóa Oto giá rẻ thì đặt tên là otogiare.com thì cũng có tác dụng SEO nhưng dạo gần đây thì không, google chỉ chú trọng chất lượng nội dung của web thôi, còn có nhiều từ khóa nhưng nội dung không đảm bảo thì cũng rất khó để google đánh giá cao web của bạn.
Tạm kết:
Hy vọng với những thông tin hữu ích mình chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho bạn trong thời gian sắp tới. Cảm ơn bạn đã theo dõi hết bài viết!
Tham khảo dịch vụ thiết kế website của chúng tôi tại: thiết kế website